“Thực tế cho thấy, nghề trồng hoa mai trắng ở xã Tản Lĩnh có thu nhập cao gấp 10 – 20 lần so với các mô hình trồng trọt, chăn nuôi khác” – anh Nguyễn Văn Huy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) mở đầu câu chuyện.
Nông dân liên kết trồng mai trắng
Là Chi hội trưởng nông dân nghề nghiệp trồng mai trắng xã Tản Lĩnh, ông Bùi Việt Hà ở thôn An Hoà cũng là một trong những hộ trồng mai lớn của thôn An Hoà. Trong vườn mai trắng nhà ông Hà có rất nhiều cây có tuổi đời lâu năm với dáng thế độc lạ, giá trị kinh tế cao, từ 60-80 triệu đồng/cây. Hiện, với diện tích hơn 2ha mai trắng, mỗi năm ông Hà cung ứng ra thị trường khoảng trên 4.000 gốc mai, sau khi trừ chi phí ông bỏ túi hơn 2 tỷ đồng/năm.
Dẫn chúng tôi thăm vườn mai trắng của gia đình, ông Hà phấn khởi nói: Vào những năm 1990, ban đầu, một số hộ dân chỉ trồng mai trắng như một thú chơi hoa ngày Tết. Tuy nhiên sau đó, thấy cây đẹp, độc đáo và được thị trường ưa chuộng nên người dân đã học hỏi, tìm tòi cách tạo thế để tăng giá trị cho cây hoa mai trắng. Cây hoa mai trắng đã giúp đời sống của nhiều hộ gia đình nơi đây ngày càng được nâng cao, nhất là ở thôn An Hòa.
“Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi như Quỹ Hỗ trợ nông dân để bà con trồng mai tập trung; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý… Qua đó, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng núi Tản từ cây hoa mai”.
Bà Phạm Hải Hoa –
Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội
Tay thoăn thoắt cắt tỉa tạo dáng cho cây mai trắng, ông Hà nói: “Để có cây mai thế đẹp, người trồng phải có ít nhất 3 năm đào mai lên, cắt cành rồi lại trồng xuống. Mọi công việc đều phải thực hiện vào chính xuân. Đặc biệt, muốn hoa nở vào đúng thời điểm Tết, người trồng phải tính toán thời gian, theo dõi thời tiết, chăm chút, tỉ mỉ cả năm”.
Anh Nguyễn Văn Huy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tản Lĩnh cho biết: Để hướng tới việc trồng mai trắng bài bản và chuyên nghiệp, từ năm 2016, Hội Nông dân xã Tản Lĩnh đã thành lập Tổ hội trồng cây mai trắng xã Tản Lĩnh với 15 thành viên tham gia. Tháng 4/2022, tổ hội đã phát triển lên thành Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng mai trắng xã Tản Lĩnh với 58 thành viên tham gia.
Tham gia chi, tổ hội nghề nghiệp, các hộ trồng mai trắng xã Tản Lĩnh thường xuyên trao đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, các thông tin về thị trường, giá cả vật tư nông nghiệp, thời tiết nông vụ… Những việc làm này đã góp phần quan trọng vào việc hình thành sự liên kết, hợp tác kinh doanh theo chuỗi giá trị.
“Điểm sáng tạo trong hoạt động của chi hội là nhiều thành viên đã nhanh nhạy áp dụng hình thức quảng bá và bán hàng qua mạng internet. Nhờ đó, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19, song Tết Nguyên đán vừa qua, các thành viên vẫn bán hàng rất tốt” – anh Huy nói.
Mai trắng mang tiền tỷ về vùng núi Tản
Cũng theo anh Nguyễn Văn Huy, thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh có 240 hộ thì hơn 60% số hộ trồng mai trắng, tận dụng từ đất vườn nhà hoặc đất thuê thầu, cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với loại cây khác. Bình quân, các hộ trồng mai có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm, nhiều hộ có doanh thu từ hơn 1 tỷ – 2 tỷ đồng/năm, cá biệt có một số hộ có thu nhập 5-7 tỷ đồng/năm. Điển hình là các hộ: Đỗ Văn Thơ, Khuất Duy Thế, Đỗ Tuấn Hải, Bùi Văn Hà…
Nhờ hiệu quả kinh tế có được từ cây hoa mai trắng, thu nhập bình quân đầu người trong thôn hiện đã đạt khoảng 85 triệu đồng/năm; nhiều hộ đã có nhà cửa khang trang, có tiền mua ô tô và các tiện nghi sinh hoạt gia đình.
Là thành viên Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng cây mai trắng xã Tản Lĩnh, anh Khuất Duy Khởi ở thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì cũng trồng hơn 1ha mai. Trung bình mỗi năm, vườn mai của anh cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 gốc, với giá bán từ 200.000 đồng đến hàng chục triệu đồng/gốc tùy thuộc vào tuổi và thế cây. Tổng doanh thu hàng năm của anh hơn 1 tỷ đồng từ vườn mai.
Về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mai, anh Khởi chia sẻ: “Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc cây mai ra hoa và nở đúng dịp Tết Nguyên đán vẫn là thời tiết. Nếu dự báo trước được (từ 15 tháng Chạp) đến nửa tháng cuối năm nắng sẽ tốt, khí trời ấm áp thì chắc chắn hoa sẽ nở sớm, bạn nên lặt lá (vặt lá, tuốt lá) trễ từ 16 – 18 tháng Chạp”.
Cũng theo anh Khởi, khi trồng mai cần chọn loại đất mềm, tơi xốp và dễ thoát nước. Người trồng luôn phải chú ý chọn các loại đất phù sa có nhiều chất dinh dưỡng, không bị chua, nhiễm mặn hay ngấm phèn.
“Mai trồng trực tiếp trên nền đất hay trồng trong chậu đều được. Quan trọng là loại đất phải tốt và cách trồng phải đúng kỹ thuật. Nếu trồng trực tiếp trên nền đất, người ta thường trộn thêm những phân hữu cơ hoai mục hay vôi bột, trộn lẫn tro trấu để giúp đất tơi – dễ thoát nước hơn. Mai rất dễ chết nếu bị úng nước nên hãy chọn vị trí trồng cao, thoáng mát và cách xa nguồn nước” – anh Khởi kể.
Theo: baothudo.xyz